Toàn bộ vải nhuộm tự nhiên của Đông Phong là vải tơ tằm. Một trong những lý do khiến chúng mình rất thích vải tơ tằm đó là chỉ từ những sợi tơ tằm thiên nhiên mộc mạc mà những người thợ dệt đã sáng tạo ra hàng chục loại vải từ bình dân đến cao cấp. Chỉ đếm sơ sơ các loại vải truyền thống là đã có hơn chục loại rồi.
Hôm nay mời mọi người cùng chúng mình tìm hiểu về các loại vải tơ tằm truyền thống để thấy được sự đa dạng và phong phú của tơ tằm nha!
- GẤM: gấm là loại vải dệt rất dày với các họa tiết đủ màu. Gấm thường có hoa văn nhiều màu sặc sỡ. Các sợi tơ dệt gấm được nhuộm màu trước, sau đó mới cho vào dệt, sợi dọc tạo nền chìm, sợi ngang tạo hoa nổi, vì vậy mặt sau của gấm thường có những dải sọc nhiều màu. Bởi thế, khi thay đổi góc sáng, mặt hoa văn gấm lại cho ra nhiều sắc độ khác nhau, trông vô cùng trang nhã. Mật độ sợi dệt của gấm cũng rất dày, lại sử dụng sợi tơ mịn nên bề mặt của gấm thường trơn nhẵn, và có độ bóng cao.
- ĐOẠN: đoạn dệt thưa hơn gấm ở sợi ngang, nhưng sợi dọc còn nhiều hơn cả gấm. Bề mặt của đoạn cũng khá trơn mịn, độ óng cao. Có loại khi dệt, người ta chập tám sợi tơ với nhau thành một sợi, loại đoạn đó gọi là đoạn bát ti. Đoạn bát ti dùng làm triều phục của hoàng đế và quan lại triều Nguyễn. Vì tính chất dày, nặng, đoạn thường dùng cho trang phục mùa đông giống như gấm.
- LÃNH (LĨNH): lãnh có mật độ dệt thưa hơn đoạn, số sợi dọc nhiều hơn số sợi ngang. Thông thường, mỗi tấm lãnh có khoảng 8000 sợi dọc. Lãnh thường được nhuộm và cán thật láng, nên bề mặt tấm lãnh trơn mịn, bóng loáng, cảm giác mềm mại, mát mẻ. Độ dày của lãnh cũng vừa phải, ko dày như gấm, đoạn. Trong các loại lãnh có lãnh Mỹ A nổi tiếng vẫn còn đến ngày nay. Lãnh Mỹ A được nhuộm tự nhiên bằng trái mặc nưa, cho ra màu đen tuyền rất đẹp. Lĩnh thâm (đen) vào thời Nguyễn rất thông dụng, thường dùng may váy, quần cho phụ nữ.
Hình bên trái là sa nam được dùng trên Long bào thời Nguyễn, các bạn có thể thấy rõ những sọc ngang trên áo.
Hình bên phải là 1 mảnh vải thời Lê, sử dụng sa trơn, với kỹ thuật dệt giống sa nam (tạo độ chắc chắn giữa các sợi ngang và sợi dọc, dù dệt thưa), tuy nhiên sợi ngang lại bé hơn. Vải này khi nhìn bên ngoài sẽ thấy mặt vải rất mịn, không nổi rõ sợi ngang như vải sa nam thời Nguyễn.
- ĐŨI: là loại tơ tằm dệt trơn, sợi to mộc, hơi giống vải bố nhưng mềm và mượt hơn. Sợi đũi đc kéo từ phần trong cùng của kén tằm, và thường tận dụng từ những kén mà tằm bên trong đã chết hoặc đã phá kén mà ra. Sợi đũi đc kéo thô nên sợi thường to, sợi không đều với nhiều đoạn sần do mối nối sợi. Vải đũi nhìn tuy dày nhưng lại xốp, nhẹ, không bám dính, khi mặc tạo cảm giác nhẹ nhàng, thoáng mát. Nếu nhìn lướt qua, đũi có thể trông rất giống vải bông sợi mộc. Chính vì vậy ngày nay, khá nhiều vải bông hoặc linen bị gọi nhầm là đũi. Mặc đũi mùa hè thì thoáng mát, mùa đông lại ấm áp, nên có thể dùng được quanh năm. Đũi thường được dùng may quần, áo, và thắt lưng.
Các loại tơ tằm khác
- Vóc: vóc là một thứ đoạn mỏng, có hoa, dệt bằng sợi đồng màu, dùng làm tán thờ thần hay may y phục cho vua chúa, quan lại.
- Nhiễu: nhiễu là thứ lụa dệt bằng sợi đã se nên mặt nổi cát, dùng làm khăn.
- Là: Cùng họ với lụa, dệt bằng tơ nõn, có những đường dọc nhỏ đều. Thường được dùng làm khăn màu hay nhuộm màu để làm các phần đổi màu trong y phục.
- Lượt: mặt hàng dệt thưa, mỏng, mịn, rất mềm, dùng may khăn.
- Xuyến (quyến): xuyến là mặt hàng kiểu cách, có cát nổi ngang, mỏng hơn the trơn. Sợi dọc của xuyến không có gì đặc biệt, chỉ có sợi ngang được dồn thành từng quăng, cứ một quăng thưa lại có một quăng dày thành ra xuyến có sọc ngang, sọc ngang của xuyến dành cho đàn ông lớn hơn xuyến dùng cho đàn bà. Cũng vì vậy mà xuyến thoáng trông tựa mành do sợi dày xen lẫn sợi thưa. Áo dài xuyến người ta có thể nhìn thấy lớp áo lót bên trong, vì vậy người ta thường mặc lót áo quần màu trắng.
- Băng: cũng là mặt hàng thủng, trong suốt, có hoa lác đác, nhẹ hơn the.
- Nái: nái được dệt bằng sợi kéo từ vỏ kén bên ngoài nên thớ to, có nhiều lông và cục sần. Thường có màu vàng đậm, cứng nhưng rất bền. Nái dùng làm khăn, may thắt lưng.
- Sồi (chồi): hàng dệt bằng tơ gốc, mặt sù sì. Thường may khố, bao tải.
No comments:
Post a Comment