Các màu sắc thông dụng trong trang phục xưa

NÂU

Có thể nói màu nâu được nhuộm từ củ nâu là màu sắc thông dụng nhất thời Nguyễn, thông qua các bức ảnh màu còn lại, chúng ta có thể thấy những sắc nâu ngập tràn trong các làng quê vùng đồng bằng. Củ nâu là 1 loại củ mọc dại rất nhiều trong rừng hay núi, rất dễ kiếm, màu lại bền. Chính vì vậy dần dần vải nhuộm củ nâu ngày càng trở nên phổ biến, nhất là khu vực đồng bằng Bắc Bộ.

Củ nâu còn 1 cái hay ấy là chỉ từ 1 loại nguyên liệu nhưng lại có thể cho ra rất nhiều tông màu khác nhau. Trong đó tông nâu cam và nâu đậm này có lẽ là phổ biến nhất. Các hình ở đây là 1 vài tông nâu bọn mình nhuộm được. Các màu nâu đen trong hình được nhuộm từ củ nâu nhúng bùn. Đặc tính của nhuộm củ nâu và củ nâu nhúng bùn là màu rất bền, nguyên liệu lại dễ kiếm, chính vì vậy khiến cho vải nhuộm củ nâu trở nên rất thông dụng. 

Hình tiếp theo này mình muốn giới thiệu thêm 1 vài tông nâu khác, củ nâu nếu có thể chọn được những củ già, thì khi nhuộm có thể lên được tông nâu đỏ như này. Ngoài ra màu củ nâu rất dễ bị tác động bởi kim loại, vậy nên khi nhúng bùn, tùy vào hàm lượng kim loại nặng trong bùn mà sẽ cho ra các tông màu khác nhau: có thể là màu nâu đất, màu ghi, thậm chí là nâu tím. 

Nhuộm củ nâu nhúng bùn nhiều lần cũng có thể ra được màu đen, nhưng màu này ko phải đen thuần mà vẫn sẽ có ánh nâu. Màu này cũng đc sử dụng khá phổ biến trong các trang phục hàng ngày, đặc biệt là quần hay váy đụp của người làm nông.

CHÀM

Tông màu thứ 2 mình muốn nói đến ấy là các tông màu chàm. Vào thời Nguyễn thì có vẻ chàm đã không còn được người Kinh sử dụng nhiều như trước (theo ghi nhận thời Lê thì dân ta sử dụng vải nhuộm chàm khá nhiều), và đến hiện tại thì không còn dấu vết gì về việc nhuộm chàm ở các làng quê vùng đồng bằng nữa. Tuy vậy theo mình vào thời đầu triều Nguyễn trước khi bị các sắc nâu thay thế thì trang phục nhuộm chàm có thể vẫn xuất hiện nhiều. Vì vậy mình muốn giới thiệu qua cho các bạn về 1 số tông chàm tiêu biểu. 

Màu chàm xa xưa vốn là 1 màu nhuộm đắt đỏ và màu chàm một thời là đặc trưng cho tầng lớp quý tộc. Tuy vậy theo thời gian màu chàm ngày càng trở nên bình dân hơn và được sử dụng rộng rãi ở nhiều tầng lớp. Một đặc điểm khiến chàm đc tầng lớp bình dân ưa chuộng ấy là nó có tính kháng khuẩn, rất phù hợp để mặc khi lao động, nó giúp hạn chế nhiễm trùng khi bị các vết thương, và hạn chế mùi từ mồ hôi.

Màu chàm có thể trải dài từ màu xanh biển, đến xanh chàm, xanh than, và đen tím. Tuy nhiên màu chàm có đặc tính là dễ bị bay màu bởi ánh sáng, nên các tông chàm nhạt (xanh biển) sẽ khó giữ màu, và cần kỹ thuật hãm màu cao hơn. Chính vì vậy tông chàm phổ biến được sử dụng (trong tầng lớp bình dân) là tông màu xanh chàm và xanh than này. Khi nhuộm đậm thế này, màu chàm dù vẫn sẽ phai nhưng phai lâu hơn, và khi áo bạc màu quá thì lại có thể nhuộm lại và sử dụng tiếp. Tông màu xanh chàm và xanh than này giờ vẫn xuất hiện trong trang phục của 1 số dân tộc miền núi phía bắc, đặc biệt là người Tày với hình ảnh chiếc áo chàm đã rất quen thuộc. 

ĐEN ÁNH TÍM

Còn 1 tông chàm khác mà mọi người ít gặp hơn đó là tông đen ánh tím này. Để nhuộm được màu này, cần nhuộm chàm từ 30 đến 100 lần. Vì vậy tông màu này có lẽ chỉ xuất hiện nhiều ở các dân tộc vùng núi, nơi có sẵn nguồn chàm dồi dào. Người Mông và người Dao rất ưa chuộng tông màu này và cũng coi nó là 1 màu sắc trang trọng.

Khác biệt 1 chút với người Mông và người Dao, người Kinh lại sử dụng tông chàm nhạt làm màu sắc trang trọng thay cho tông đen tím. Có lẽ 1 phần bởi màu chàm nhạt yêu cầu kỹ thuật nhuộm cao hơn. Chúng ta có thể thấy màu chàm nhạt này được sử dụng trong các bộ áo lễ và áo cưới.

Như mình có vừa nói lúc này rằng chàm được sử dụng khá nhiều vào thời Lê, tuy vậy tông chàm khi đó dân ta sử dụng không phải là tông chàm thuần như các tông màu mình vừa giới thiệu. Ở đây là ghi chép của Lê Quý Đôn trong Vân đài loại ngữ về cách làm vải thanh cát: “Tục nước Nam ta, lấy lá chàm nhuộm vải, và lấy củ nâu nhựa, giã nhỏ, nhuộm, lấy chày đập, rồi phơi khô để may áo, gọi là thanh cát y… Bất cứ quân, dân, sang, hèn, đều mặc thế, chỉ khác có dài ngắn.” Theo như ghi chép thì sau khi nhuộm chàm, người ta sẽ nhuộm thêm 1 lần củ nâu. Lần nhuộm củ nâu này là để hãm màu vải, tránh việc chàm bị phai. Nhưng bởi vì củ nâu cũng có màu, nên khi nhuộm củ nâu đè lên màu chàm sẽ ra 1 sắc màu khác, ngả về đen ánh rêu. Như hình đây là 1 miếng vải bọn mình nhuộm từ theo phương pháp như vậy. Vậy nên nếu làm trang phục thời Lê, chúng ta có thể xem xét và sử dụng tông màu này như 1 màu chủ đạo trong trang phục. 

ĐEN TUYỀN


Cuối cùng mình xin nói về tông đen tuyền, đây cũng là 1 trong những tông màu trang trọng được người Kinh hay sử dụng. Khác với tông đen ánh nâu trong trang phục thường ngày, màu đen tuyền cao cấp hơn và thường được tầng lớp trung lưu trở lên ưa dùng. Hiện màu đen tuyền mình thấy có 2 cách nhuộm, đó là sử dụng vỏ lựu kết hợp nhúng bùn có nhiều sắt và nhuộm từ quả mặc nưa. Cả 2 cách này đều cho ra được 1 màu đen thuần rất đẹp, tạo cảm giác sang trọng hơn các tông đen khác.

Đức Huy Nguyễn

No comments:

Post a Comment

Bộ ảnh Việt phục chụp tại Chõi Trâu Art Space

Song song với triển lãm "Nếp màu tự nhiên" chúng mình cùng Ba Ngàn Art có thực hiện các buổi chụp ảnh đưa cổ phục về những không...