Vải nhuộm đen từ vỏ lựu

Chiếc áo ngũ thân tay chẽn được may bằng vải đũi tơ tằm nhuộm vỏ lựu của bọn mình

Bắt tay vào thử nhuộm màu đen bọn mình mới biết để nhuộm được màu này kỳ công như thế nào.

Vì ở ngoài bắc không có nguồn cung cấp mặc nưa dồi dào như phía nam (quả mặc nưa là nguyên liệu để nhuộm được màu đen tuyền trên vải Lãnh Mỹ A) nên bên mình quyết định sử dụng một nguyên liệu khác thay thế, đó là vỏ lựu. Nước vỏ lựu kết hợp với phèn sắt sẽ cho ra thứ nước có màu đen đặc như mực, và có độ bám dính trên vải rất cao do vỏ lựu có nhiều chất tanin. Dùng nước này để nhuộm sẽ rất bền màu, nhưng từ đó muốn ra được sắc đen trên vải cũng không dễ. 

Vải nhuộm đen thông thường sẽ lên sắc độ dần dần từ màu nhạt (ví dụ xám, nâu, xanh chàm, xanh rêu), đến màu đậm (như xám đen, nâu đen, xanh than, rêu đen), chuyển đen (màu chưa thuần, vẫn còn ánh một chút các sắc khác như xám, nâu, tím, rêu), rồi cuối cùng là đen tuyền (màu đen sâu nhất). Và mỗi lần muốn chuyển lên tông màu cao hơn thì số lần nhuộm có thể tăng theo cấp số nhân.

Sử dụng vỏ lựu với nước nhuộm đã có sẵn màu đen đặc thì chỉ cần 1, 2 lần nhuộm đầu tiên là vải đã có được màu xám đen rồi, nhưng để lên được nấc đen (màu chưa thuần) thì cần tận 10 đến 15 lần nhuộm. Và theo độ ăn màu của vải, bọn mình phỏng đoán để lên được màu đen tuyền thì với vỏ lựu cần nhuộm tầm 50 lần trở lên. Chính vì vậy, để Lãnh Mỹ A hay những tấm vải nhuộm chàm của người dân tộc ra được màu đen tuyền không hề đơn giản, với số lần nhuộm có thể lên tới cả trăm lần tuỳ thuộc vào độ bám màu của từng chất liệu vải. Có lẽ đó cũng là lý do vì sao từ xưa trang phục màu đen tuyền vẫn luôn được coi là màu rất trang trọng, quyền quý.

Lần này bọn mình thử nghiệm nhuộm màu đen trên vải đũi tơ tằm, sử dụng hết 10kg vỏ lựu cho 10 lần nhuộm. Vải lên được đến sắc độ màu đen còn chút ánh xám. Mời các bạn cùng xem quá trình thực hiện của bọn mình nha!



Đầu tiên, vải đũi trắng được ngâm vào phèn sắt. Phèn sắt có tác dụng giúp màu nhuộm bám tốt hơn trên vải đồng thời làm nước vỏ lựu chuyển sang màu đen đặc.


Nước vỏ lựu khi vừa đun xong có màu nâu nhạt. Nhưng sau khi cho vải đã ngâm phèn sắt vào, nước nhuộm dần chuyển sang màu đen

Vải được đảo đều trong quá trình nhuộm

Sau lần nhuộm đầu, vải đã có màu ghi xám

Đoạn vải sau 5 lần nhuộm. Màu vẫn còn ngả xám khá nhiều

Đến lần nhuộm thứ 10, vải mới lên được màu đen ánh xám

No comments:

Post a Comment

Bộ ảnh Việt phục chụp tại Chõi Trâu Art Space

Song song với triển lãm "Nếp màu tự nhiên" chúng mình cùng Ba Ngàn Art có thực hiện các buổi chụp ảnh đưa cổ phục về những không...